Mỹ có nền giáo dục danh tiếng lâu đời thu hút sinh viên quốc tế số 1 thế giới. Theo thống kê, hơn một triệu bạn trẻ từ khắp các nước đang học tập tại quốc gia này. Tuy nhiên, Mỹ với những biến động xã hội, chính sách đang khiến nhiều người lo ngại về các vấn đề xin visa, nhập cư… Trong khi đó, quốc gia láng giềng Canada với các chương trình định cư thông thoáng, chi phí phải chăng, chính sách cho phép vừa học vừa làm dễ dàng… đang trở thành “điểm nóng” thu hút sinh viên quốc tế.
Như một sự hiển nhiên, không ít người có ý định du học Bắc Mỹ phải cân nhắc: Nên du học Mỹ hay Canada? Nhằm giúp các bạn đi tìm lời đáp đúng nhất cho bản thân, dưới đây là những thông tin đối chiếu hữu ích để bạn tham khảo và có quyết định đúng đắn nhất.
Danh tiếng học thuật
Theo QS World University 2020, có 19 trường của Mỹ được xếp hạng trong top 50 đại học tốt nhất thế giới. Trong khi đó, Canada tự hào có 2 trường được xếp hạng trong top 50 này là Đại học Toronto và Đại học McGill (Đại học British Columbia được xếp hạng 51). Mặc dù vậy, bằng cấp sinh viên kiếm được từ các trường tại Canada ngày càng được các nhà tuyển dụng quốc tế chấp nhận rộng rãi và gần như tương đương bằng cấp của Mỹ.
Ngành học nên chọn
Mỹ và Canada đều là các quốc gia đào tạo đa ngành. Việc nên chọn ngành học nổi bật nào của từng quốc gia còn tùy vào nhu cầu học thuật, năng lực bản thân, điều kiện tài chính của gia đình cũng như mục tiêu cuộc sống, sự nghiệp.
Tại Canada, các ngành về kỹ thuật, tài chính, thiết kế đồ họa, quản lý nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và y tế, khoa học tự nhiên, năng lượng, dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn… đang có nhu cầu cao về nhân lực lành nghề, được cho sẽ mang lại nhiều triển vọng cho sinh viên. Trong khi đó, Mỹ có thế mạnh đào tạo hầu hết các ngành. Tuy nhiên, với sinh viên quốc tế, nhóm ngành thiết kế STEM được xem mang lại nhiều lợi ích khi cho phép sinh viên tốt nghiệp ở lại làm việc 3 năm để tích lũy kinh nghiệm theo Chương trình đào tạo thực hành tùy chọn (OPT) mở rộng.
Chi phí học tập
Các loại phí | Mỹ | Canada |
Học phí cao đẳng | 9.000 – 20.000 USD/năm (~208 – 460 triệu đồng/năm) | 11.000 – 17.000 CAD/năm (~190 – 295 triệu đồng/năm) |
Học phí đại học | 20.000 – 48.000 USD/năm (~462 triệu – 1,1 tỉ đồng/năm) | 13.000 – 55.000 CAD/năm (~173 triệu – 520,5 triệu đồng/năm) |
Học phí thạc sĩ | 15.000 – 60.000 USD/năm (~345 triệu – 1,4 tỉ đồng/năm) | 15.000 – 35.000 CAD/năm (~260 – 607 triệu đồng/năm) |
Sinh hoạt phí | 10.000 – 15.000 USD/năm (~231 triệu – 345 triệu đồng/năm) | 10.000 – 15.000 CAD/năm (~173 triệu – 260 triệu đồng/năm) |
(theo tỉ giá quy đổi 1 USD = 23.130 đồng; 1 CAD = 17.351)
Nếu chỉ dựa trên tiêu chí chi phí học tập phải chăng, du học Canada là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, với những ai muốn học tập Mỹ tiết kiệm chi phí, ngoài nỗ lực săn học bổng, lộ trình học cao đẳng cộng đồng bang Washington sau đó chuyển tiếp vào các đại học 4 năm để lấy bằng cử nhân được xem là lộ trình học hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
>> Xem thêm: Giải pháp du học Canada không vần IELTS 2020
Học bổng
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia nổi tiếng thế giới có nhiều chương trình học bổng cho sinh viên quốc tế, giá trị học bổng du học Mỹ từ 10-100% học phí và học bổng toàn phần tức bao gồm cả học phí và các khoản phí khác. Trong khi đó, nền giáo dục Canada chủ yếu là giáo dục công, do chính phủ tài trợ với mức học phí phải chăng nên nên sẽ không có nhiều học bổng. Tuy nhiên, sinh viên có thể mong đợi tìm kiếm các suất học bổng từ 10-50% học phí.
Chính sách làm thêm
Canada cho phép làm thêm trong trường và ngoài trường với thời gian tối đa 20 giờ/tuần trong niên học và toàn thời gian vào các kỳ nghỉ. Trong khi đó, Mỹ chỉ cho phép làm thêm trong trường với thời gian làm việc tương tự như tại Canada.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Canada và Mỹ đều cho phép sinh viên ở lại làm việc từ 1-3 năm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu như Canada cho phép sinh viên ở lại dựa trên thời lượng khóa học thì tại Mỹ sinh viên học xong 1 chương trình bằng cấp sẽ được ở lại 1 năm làm việc, chỉ riêng với nhóm ngành STEM được phép ở lại tối đa 3 năm.
Cơ hội việc làm tạm thời tại Mỹ không thiếu, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, bán hàng, STEM, tuy nhiên mức độ cạnh tranh công việc cao. Ở Canada, cơ hội việc làm sẽ cao hơn khi quốc gia này có nhu cầu nhân lực trong rất nhiều ngành gồm công nghệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục mầm non, nhà hàng khách sạn…
>> Xem thêm: Đi tìm lời đáp cho vấn để xin visa du học Canada khó hay dễ
Khả năng định cư
Nếu có ý định du học định cư, Canada là lựa chọn hợp lý khi nước này đang trong quá trình thu hút và giữ chân nhân tài với nhiều chính sách định cư thông thoáng. Ngoài chương trình định cư liên bang, đề cử tỉnh bang, chương trình định cư vùng… dựa trên tay nghề, một số tỉnh bang còn hướng đến thí điểm các chương trình định cư dành riêng cho sinh viên quốc tế. Khả năng định cư tại Mỹ sẽ khó hơn. Sinh viên nhóm ngành STEM được xem có nhiều cơ hội hơn so với những ngành khác khi có thể ở lại làm việc tạm thời đến 3 năm và Chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực giải quyết chính sách nhập cư nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Thời tiết
Hoa Kỳ có 50 tiểu bang và thời tiết không giống nhau giữa nơi này với nơi khác. Thời tiết ở Bờ Tây sẽ dễ chịu hơn so với Bờ Đông và Trung Tây. Canada nổi tiếng có mùa đông khắc nghiệt, tuy nhiên cũng sẽ không đúng ở tất cả các tỉnh bang. Các tỉnh nội địa và vùng đồng cỏ thường sẽ lạnh hơn ở các tỉnh ven biển. Cho nên, tùy vào khả năng chịu đựng, thích nghi của mỗi người mà lựa chọn điểm đến phù hợp.
>> Xem thêm: Tin vui về du học Canada và cơ hội định cư dành cho những bạn ấp ủ ước mơ
Thủ tục hồ sơ
Cả du học Mỹ và Canada đều yêu cầu học sinh có nền tảng học thuật tương đối tốt, khả năng tài chính đảm bảo, kế hoạch du học rõ ràng như một sự bảo chứng cho ý định du học nghiêm túc. Theo đó, hồ sơ du học cũng cần chuẩn bị kỹ càng, chính xác với đầy đủ các giấy tờ chứng minh năng lực học tập, nguồn thu nhập… Tuy nhiên, nếu như Mỹ chỉ có chương trình visa thông thường thì Canada linh động hơn với chương trình visa không chứng minh tài chính diện SDS. Chương trình visa này yêu cầu học sinh cao hơn về trình độ tiếng Anh nhưng bù lại giúp giản lược các thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ chỉ còn 45 ngày thay vì trung bình 11 tuần như chương trình visa thông thường.